Lịch sử ấn bản Bách Việt tiên hiền chí

Bách Việt tiên hiền chí là cuốn sách hiếm hoi còn sót lại đến nay do Âu Đại Nhậm biên soạn và tự viết lời tựa đề ngày Đông Chí tháng 11 năm Gia Tĩnh thứ 33 (1554) thời Minh. Theo bộ Tứ khố toàn thư Tổng mục đề yếu thì sách này gồm bốn quyển viết về 120 vị tiên hiền thuộc tộc Bách Việt. Qua lời bạt của Bách Việt tiên hiền chí do hiệu sách Văn Tự Hoan Ngu Thất ấn hành, được biết sử quán triều Minh coi cuốn sách này là nguồn sử liệu chính xác, đã khắc và in nguyên văn toàn bộ bản thảo, đóng chung vào Nghệ văn chí để làm tài liệu cho các sử gia tra cứu và trích dẫn, cất giữ ở Tứ khố toàn thư. Do vậy mà được lưu truyền rất ít trong học giới Trung Quốc.

Năm Càn Long thứ 37 (1772), hoàng đế xuống chiếu mở Tứ khố toàn thư của nhà Minh thì mới phát hiện nội dung của Bách Việt tiên hiền chí không còn nguyên vẹn nữa, có nhiều chữ và nhiều đoạn trong sách đã bị nát mất. Năm Đạo Quang thứ 11 (1831), hiệu sách Văn Tự Hoan Ngu Thất khắc in y nguyên bản còn sót lại gồm 106 vị tiên hiền. Những phần bị nát mất đều được khắc in chữ "khuyết", không tự ý bổ túc. Bản in này có lời bạt của học giả Ngũ Nguyên Vi, đề ngày bát tịch mùa thu năm Tân Mão (rằm tháng 8 năm 1831).

Năm Hàm Phong thứ 10 (1860), liên quân Anh Pháp tiến vào Bắc Kinh đốt phá tan hoang. Số phận của bộ sách này thêm một lần điêu đứng. Tháng 12 năm Dân Quốc thứ 26 (1936), Thương vụ ấn thư quánThượng Hải in lại bản mà Văn Tự Hoan Ngu Thất đã ấn hành chỉ thêm một chữ "Minh" thành "Minh Thuận Đức Âu Đại Nhậm Trinh Bá soạn" và sửa lại chữ "Mâu" trong tiên hiền thứ 18 quyển 2 là "Kỳ Mâu Tuấn" thành "Kỳ Vô Tuấn" mà thôi.